Bối cảnh Sự_kiện_vũng_Rô

Vũng Rô là một vùng nước sâu nằm ở chân Đèo Cả, là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Đây là một bến có điều kiện rất thuận lợi trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nước rất sâu, tàu 100 tấn có thể vào dễ dàng. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ thị cho địa phương huy động dân công làm một cầu tàu dài 20 m, có thể tháo lắp nhanh. Về mức độ an toàn thì ngay trên đỉnh Đèo Cả có một đồn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tức là có thể triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ. Trong thực tế, Lữ đoàn vận tải 125 HQNDVN đã lợi dụng được các yếu tố thuận lợi đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã chở trót lọt vào bến 3 chuyến tàu:

  • Tàu 41 đi chuyến đầu ngày 16 tháng 11 năm 1964, cập bến ngày 5 tháng 12, chở theo 43,920 tấn vũ khí.
  • Tàu 41 đi tiếp chuyến thứ hai ngày 21 tháng 12, cập bến ngày 31 tháng 12, chở theo 46,729 tấn vũ khí.
  • Tàu 41 đi chuyến thứ ba ngày 28 tháng 1 năm 1965, cập bến ngày 9 tháng 2 năm 1965, chở được 45,951 tấn vũ khí.

Trước tình hình thuận lợi, trong khi Nam Trung Bộ đang mở liên tiếp nhiều trận đánh lớn, Lữ đoàn 125 quyết định lợi dụng ngày Tết Âm lịch cho chở tiếp chuyến thứ tư với trọng tải lớn vào Vũng Rô. Đúng ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ, tức ngày 2 tháng 2 năm 1965, tàu sắt số 143 khởi hành, với 18 thủy thủ, thuyền trưởng là Lê Văn Thêm, chính ủy là Phan Văn Bảng, chở 63,114 tấn vũ khí. Đến 11 giờ đêm 15 tháng 2 tàu vào đến bến Vũng Rô an toàn. Vì khối lượng hàng quá lớn, bốc dỡ gần hết hàng thì trời đã sáng, neo tàu lại hỏng nên phải cho tàu ở lại trong ngày và ngụy trang kỹ bằng cây lá.

Cùng khoảng thời gian này, Quân Giải phóng miền Nam tại Khu V vừa tiến đánh quân VNCH trong trận Đèo Nhông từ ngày 7 tháng 2 đến 8 tháng 2 năm 1965, gây thiệt hại lớn cho đối phương. Do hậu quả của trận đánh, suốt trong tuần lễ tiếp theo, máy bay tải thương của Mỹ liên tục bay qua khu vực Vũng Rô để chở thương binh về Nha Trang, còn toàn bộ hệ thống an ninh và quân đội của Vùng II chiến thuật được đặt trong tình trạng báo động.[2]

Liên quan